Câu chuyện karaoke
Trong một năm kể từ ngày chuyển sang nhà mới, mỗi tuần sẽ có khoảng 1-2 lần là mình nghe hàng xóm hát karaoke. Có những buổi tối tầm 9h30, 10h, mình vẫn nằm lăn lộn trên giường cố gắng ngủ mà không ngủ được vì tiếng nhạc. Vừa nằm vừa nghe tiếng dập cửa uỳnh uỳnh và bước chân đi lên xuống cầu thang của bạn cùng nhà. Điều đó càng làm mình căng thẳng, vì mình nghĩ rằng bạn cũng đang thấy khó chịu, mà mình là chủ nhà lại không làm gì để giải quyết vấn đề cả.
Mình đắn đo trong nhiều tháng trời, có nên nói với hàng xóm hay không? Nếu nói ra có gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và đến mối quan hệ láng giềng không? Vốn dĩ mình và hàng xóm không có quan hệ gì trước đó. Mình cũng không phải là người thân thiện, xởi lởi hay bặt thiệp. Mình e ngại rằng nếu nói ra thì xuất phát điểm của quan hệ láng giềng sẽ là một điểm tiêu cực. Mình tập xây dựng mối quan hệ trước: sang mua súp, hỏi thăm tên, vẫy tay chào, v.v. Những việc nhỏ như vậy cũng đòi hỏi nhiều tâm trí và thời gian của một người hướng nội như mình.
Cuối cùng thì đêm đó cũng đến. Mình đã mệt vì COVID, và 9h30 tối thì nhạc vẫn mở, nghe còn to hơn bình thường. Mình nhớ rõ về Quyển sách nhỏ về Chuyển hoá Mâu thuẫn của John Paul Lederach, trong đó có ý sau:
Khi ta muốn giải quyết mâu thuẫn, ta thấy cần phải hạ nhiệt các tiến trình mâu thuẫn. Khi ta muốn chuyển hoá mâu thuẫn, ta xem mâu thuẫn như mực nước triều. Có lúc nước lớn, có lúc nước ròng, và ta dâng hay hạ mực nước đều để hướng tới sự thay đổi tích cực.
Mình mở cửa sổ và gọi: "Cô ơi, chú ơi, mình có thể mở nhạc nhỏ lại chút được không?"
Vũ lực để bảo vệ & Vũ lực để trừng phạt
Khi dùng vũ lực để bảo vệ (protective use of force), chủ đích của chúng ta là bảo vệ sinh mạng hoặc quyền con người. Khi dùng vũ lực để trừng phạt (punitive use of force), chủ đích của chúng ta là bắt người khác trả giá vì "lỗi lầm" của họ.
Việc dùng vũ lực để bảo vệ (protective use of force) dựa trên giả định rằng người ta hành xử theo những cách gây tổn thương vì họ đang thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết này bao gồm:
- Thiếu nhận thức về hậu quả của hành động của mình
- Không có khả năng thấy rằng những nhu cầu của mình có thể được đáp ứng mà không cần làm hại người khác
- Niềm tin u mê rằng mình có quyền trừng phạt hay làm tổn thương người khác vì họ "xứng đáng" với điều đó, và
- Có những suy nghĩ hoang đường trong tâm trí, chẳng hạn như nghe thấy một giọng nói bảo mình hãy giết ai đó.
Vì họ đang thiếu hiểu biết, nên điều họ cần là chỉ bảo, chứ không phải sự trừng phạt.
Ngược lại, việc dùng vũ lực để trừng phạt (punitive use of force), được dựa trên giả định rằng người ta phạm lỗi vì bản chất của họ là xấu xa, và do đó họ "xứng đáng bị trừng phạt. Sự trừng phạt được thực hiện với chủ đích để bắt họ:
- Chịu đau khổ đủ để nhận ra hành vi của mình là sai
- Hối hận, và
- Thay đổi
Tuy nhiên, trên thực tế, thay vì tạo ra sự ăn năn và học hỏi, sự trừng phạt lại có khuynh hướng gây ra oán giận, thù hận và chống đối.
Có hai câu hỏi giúp chúng ta thấy lý do tại sao chúng ta ít có khả năng đạt được điều mình muốn thông qua "thương cho roi cho vọt". Câu hỏi thứ nhất là: Tôi muốn người này làm gì khác đi? Nếu chúng ta chỉ hỏi câu hỏi này thì sự trừng phạt có vẻ hiệu quả. Tuy nhiên, khi hỏi câu thứ hai, chúng ta sẽ thấy rõ rằng nó không hề hiệu quả: Tôi muốn lý dọ của họ khi làm điều đó là gì?
Chủ đích khi dùng vũ lực
Quay lại với câu chuyện karaoke. Trong một năm dài mình đã tự vấn bản thân nhiều lần, trước khi mình đề xuất hàng xóm nhỏ nhạc lại, mình có thấu cảm cho họ đủ chưa? Nhu cầu của họ khi hát là gì? Qua nhiều lần lắng nghe, đặc biệt là lắng nghe vào lúc tâm trạng mình bình ổn, mình nhận ra rằng nếu thò đầu ra cửa sổ thì họ hát cũng rất hay, chỉ khi đóng cửa vào thì tiếng bị vọng nên nghe ồm ồm. Và mình nhận ra họ hát với rất nhiều nhiệt huyết và niềm vui. Mình cảm nhận được là khi hát họ được sống với những phút giây tình cảm nồng nhiệt nhất của cuộc đời, được quên mình trong âm nhạc. Cũng như mình khi lên sân thượng hát một mình vậy, khác chăng là mình không dùng loa khuếch âm.
Đêm hôm mở cửa sổ đề xuất vặn nhỏ nhạc, mình cảm nhận được sự mệt mỏi trong người mình, mong muốn làm cái gì đó khác đi, nhưng không có sự bực bội, không có suy nghĩ rằng họ đang làm "sai" và "nên" làm theo ý mình. Mình thật sự muốn họ có thể hát tiếng, có chăng là nhỏ âm lượng lại một chút thôi. Và có lẽ là họ thật sự không biết âm thanh vọng qua nhà mình nghe nó khác lắm so với âm thanh họ nghe khi hát. Mình muốn giữ lại tình thương và sự cân nhắc giữa người với người, chứ không muốn họ tắt loa vì sợ mình gây hấn hay gọi công an.
Mình cũng nhận ra rằng trong não mình thích có những suy nghĩ rằng mình đang bảo vệ cho người khác, ví dụ như giảm ồn cho mẹ dễ ngủ, cho đỡ phiền các em thuê nhà mình. Mình cũng đã nói chuyện với những người này để xác nhận ảnh hưởng lên họ có thật sự nhiều như mình tưởng tượng không, mình có đang phóng chiếu cái sự phiền muộn của mình lên người khác hay không. Nếu chỉ có một mình mình bị ảnh hưởng, đầu mình vẫn sẽ xoay vòng trong những suy nghĩ thuộc trường phái khắc kỷ: bớt sân, bớt chấp đi thì tự khắc sẽ dễ chịu hơn, đừng có cho rằng mình cần chỉ bảo ai khác.
Mình vẫn đang tập dung hoà: giữa người khác và mình, giữa sửa nội tâm và tác động lên ngoại cảnh.
Mình rất thích bộ phim Xa Khỏi Bóng Cây của Disney, nói về chuyện với cùng chủ đích là bảo vệ con, hai thế hệ gấu mèo khác nhau đã hành động khác nhau như thế nào. Gấu ông thì mắng mỏ con thậm tệ. Gấu cha thì giải thích cho con hiểu, và cùng con học cách tránh đi nguy hiểm, như trong bức hình trên. Mình nhận thức được rằng dù là mình có chủ đích tốt đi chăng nữa, mình cũng phải có trách nhiệm với tác động từ lựa chọn hành động của mình.
Trong câu chuyện karaoke, mình rất may mắn vì hàng xóm của mình, sau khi nghĩ một chút, bảo là "OK" và sau đó nhỏ nhạc lại thật. Bạn mình kém may mắn hơn thì bị hàng xóm kéo cả họ hàng sang chửi bới. Mình dù nghe được chữ OK vẫn thấy rất lo lắng rằng họ hiểu sai ý mình, nên có viết một bức thư giải thích. Mình sẽ kể về chuyện gì xảy ra tiếp theo trong một bài viết sau. Mình nhận thức rằng, nếu họ đã phản ứng khác đi, mình vẫn sẽ sẵn sàng để tiếp tục nghe được điều gì là quan trọng với họ.
Bộ phim Xa Khỏi Bóng Cây còn giúp mình nhận ra rằng, dù người khác đang dùng lực để trừng phạt hay bảo vệ, mình vẫn có thể nhìn thấy điều quan trọng với họ. Những con sói thật ra là những chú hươu cao cổ gặp vấn đề về giao tiếp, bị bí bài, không biết cách nào khác để chăm sóc cho nhu cầu của họ mà thôi.
If there is any thinking involving an enemy, then it’s punitive. The same if the intent is for the other person to suffer. If the intention is only to protect my own need, then it’s justified. That’s the only time force is justified. I must have no desire to make the other person suffer.- Marshall Rosenberg, Ph.D. 'Transcript of 2-day Advanced Intensive'
Post a Comment