Về Giao tiếp Bất bạo lực

Nếu "bạo lực" có nghĩa là “gây ra tổn hại”, thì cách mà chúng ta thường giao tiếp với bản thân và với người khác - phán xét, chỉ trích, phòng thủ, hùng biện, phản ứng khi tức giận, đánh giá xem ai tốt hay xấu, nó đúng hay sai, nói mà không lắng nghe, ...  -  thực sự có thể được gọi là “giao tiếp bạo lực”.


Trong khi đó, Giao tiếp Bất bạo lực tin rằng, ở cốt lõi, tất cả chúng ta đều chia sẻ những nhu cầu chung của con người. Để bước qua thói quen và định kiến, chúng ta có thể học những lối nghe, lối nói, lối nghĩ và lối hành động bắt nguồn từ cái cốt lõi này. Giao tiếp Bất bạo lực trình bày những lối ứng xử này một cách có hệ thống. 


Cái tên “Bất bạo lực” được lấy cảm hứng từ tinh thần “bất bạo lực” hay còn gọi là “ahimsa” trong tiếng Sanskrit. “Bất bạo lực” không chỉ là không gây hại. “Bất bạo lực” còn là cái lực - cái sức mạnh - đến từ việc kiên quyết trân quý sự thật và tình thương.

Về Vòng tròn thực hành

“Chúng ta không học từ trải nghiệm, chúng ta học từ việc suy ngẫm về trải nghiệm của mình.” 


Trong phương pháp sư phạm vòng tròn, người điều phối sẽ cùng người tham gia đi qua Cung đường Học tập. Bắt đầu từ trải nghiệm cá nhân, chúng ta sẽ cùng suy ngẫm, kể lại, chứng kiến, thu hoạch, diễn giải và cùng tạo ra kiến thức tập thể, thậm chí là hiểu biếttrí tuệ. Tất cả mọi người trong vòng tròn sẽ cùng cam kết những điều sau:


  1. Lắng nghe trọn vẹn

  2. Chia sẻ chân thành

  3. Nói vừa đủ


Tùy vào chủ đích của vòng tròn, các cam kết khác có thể được mọi người cùng nhau đồng ý thêm vào.

 

Thời lượng của một vòng tròn thường là 120 phút.


Về Nội dung chương trình

Có 2 lựa chọn nội dung cho Vòng tròn thực hành Giao tiếp Bất bạo lực Cơ bản.


Nội dung 1: Thấy gì - Gặt đó

Thông qua chương trình này, người tham gia sẽ có cơ hội nhìn rõ cách mình đã phản ứng trước sự việc trong quá khứ. Người tham gia sẽ thực hành các lối giao tiếp giúp chúng ta hiểu nhau đúng hơn và hiểu nhau sâu hơn, bao gồm:


Lối nghĩ

  • Cơ sở khoa học thần kinh của cảm xúc và cảm giác.

  • Định đề “cảm xúc là nhiệt kế của nhu cầu” trong Giao tiếp Bất bạo lực. 

Lối hiểu

  • Quan sát khách quan là hữu dụng.

  • Lựa chọn từ ngữ có thể tăng khả năng kết nối.

Lối hành động: 

  • Quan sát và diễn đạt sự kiện một cách khách quan.

  • Lắng nghe và chăm sóc cho cảm xúc của chính mình.

  • Lắng nghe và chăm sóc cho cảm xúc của người khác.



Nội dung 2: Thương người - Thương thân

Trong chương trình này, người tham gia có cơ hội hiểu sâu hơn về những thói quen hành động của mình và người khác, kể cả những hành động mà chính mình khó có thể chấp nhận. Thông qua đó, chúng ta có thể tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách để thương mình và thương người hiệu quả hơn.


Lối nghĩ

  • Mọi hành vi của con người đều là để đáp ứng một nhu cầu cốt lõi nào đó.

  • Nhu cầu chưa được đáp ứng thường được biểu lộ qua những cách đầy bi kịch. 

Lối hiểu

  • “Lặn” xuống tầng nhu cầu là hữu dụng.

Lối hành động: 

  • Lắng nghe nhu cầu.

  • Sáng tạo chiến lược.


Hươu cao cổ là loài vật biểu trưng cho cách giao tiếp bất bạo lực.
Ngoài việc nằm trong những loài vật trên cạn có trái tim lớn nhất,
hươu cao cổ còn có khả năng nhìn bao quát sự vật xung quanh.
Nguồn ảnh: James Wainscoat (Unsplash).




Post a Comment

Previous Post Next Post