"Tài nguyên là có hạn mà mong cầu là vô hạn. Con người thì ích kỷ." Đó là hai giả định chính của những hệ thống đang bao trùm lên cuộc sống của đa số chúng ta. Từ hai giả định này, một loại quyền lực được sản sinh, gọi nôm na là quyền lực trên cơ. Còn những loại hình quyền lực khác, nhưng chúng đòi hỏi ta phải sử dụng những giả định khác. Giao tiếp trắc ẩn (GTTA) đòi hỏi một niềm tin sâu sắc rằng, con người vốn dĩ thích cho đi trong sự tự do. GTTA cũng đòi hỏi chúng ta trung kiên với việc coi sóc nhu cầu của người khác. Và khi mâu thuẫn xảy ra, chúng ta được kêu gọi mà đứng vững trong khả năng kết nối và sáng tạo của mình, để cùng nhau tìm ra những phương tiện mới, nhằm đáp ứng càng nhiều nhu cầu của các bên càng tốt. Khi chúng ta sử dụng và làm mẫu cách sống Giao tiếp trắc ẩn trong những hệ thống thống trị, nhiệm vụ của chúng ta là tưởng tượng ra và hiện thực hóa những mối quan hệ dựa trên loại hình quyền lực cùng nhau, bất kể những điều kiện của hệ thống có ra sao đi nữa.
4 loại hình quyền lực
Có bốn loại biểu hiện quyền lực sau, theo Gaventa (2006):
(1) Quyền lực trên cơ (power-over) hay còn gọi là quyền lực phụ thuộc (dependent power):
Quyền lực trên cơ xuất hiện khi ta sử dụng sức ảnh hưởng của mình lên một vật hoặc một người nào đó. Hầu hết mọi người hiểu về quyền lực theo định nghĩa này. Họ cho rằng chỉ có một lượng quyền lực cố định, và nếu một người có thêm nhiều quyền lực thì những người khác sẽ phải có ít đi. Đây cũng là lý do mà nhiều người cho rằng quyền lực là xấu. (The Barefoot Collective 2009) Tuy vậy, chúng ta có nhiều ví dụ tích cực về việc sử dụng quyền lực trên . Một nhà điêu khắc sử dụng quyền lực của mình trên khối đá để tạo hình bức tượng. Một nhạc công thể hiện quyền lực trên nhạc cụ của mình để tiếng nhạc vang lên. Nhiều người sử dụng tầm ảnh hưởng của họ lên người khác để thúc đẩy lợi ích chung của xã hội như Nelson Mandela, Gandhi, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, ...
Chính khi con người lạm dụng quyền lực để áp chế người khác, chúng ta mới nhìn nhận quyền lực dưới góc độ tiêu cực. (Blau 1986; Rowlands 1997; Gaventa 2006) Quyền lực chỉ trở nên hủy diệt nếu một người sử dụng quyền lực một cách vô trách nhiệm, tước đoạt các nhu cầu cơ bản của người khác. Khi quyền lực trên cơ được có bằng cách giành lấy từ người khác, hoặc ngăn cản người khác thực hiện quyền lực của họ, nó kéo dài tình trạng bất bình đẳng, bất công và đói nghèo.
(2) Quyền lực bên trong (power-within) hay còn gọi là quyền lực độc lập (independent power):
Quyền lực bên trong là những niềm tin tích cực về lòng tự trọng, về bản thân (Gaventa 2006; The Barefoot Collective 2009). Quyền lực bên trong giúp ta tin rằng mình là người tháo vát, cuộc sống của mình có giá trị và tiếng nói của mình có giá trị (The Barefoot Collective 2017). Chúng ta cảm thấy mình có đầy đủ khả năng và khả năng thực hiện các hành động có chủ đích (Rowlands 1997; Chambers 2006). Quyền lực bên trong bắt nguồn từ ý thức chấp nhận và tôn trọng bản thân, từ đó chúng ta chấp nhận và tôn trọng người khác, coi nhau là bình đẳng (Williams và cộng sự 1994; Rowlands 1997; The Barefoot Collective 2009). Chúng ta có được quyền lực bên trong khi chúng ta phát triển những kiến thức, kỹ năng và sự tự tin bên trong mình, giúp ta cải thiện chất lượng cuộc sống.
(3) Quyền lực cùng nhau (power-with) hay còn gọi là quyền lực tương thuộc (interdependent power):
Quyền lực cùng nhau xuất hiện khi có một sự biến chuyển xảy ra: mọi người không chỉ làm việc chung với nhau mà chuyển sang làm việc cùng nhau để đóng góp cho mục tiêu tập thể (Gaventa 2006; Lukes 2005). Khi mọi người cùng nhau tập hợp nguồn lực để giải quyết vấn đề, thì sức mạnh tập thể sẽ lớn hơn sức mạnh của từng cá nhân cộng lại. Ở đây 1+1 > 2. (McKinney và Shanley 1985; Lukes 1986; Williams và cộng sự 1994; Rowlands 1997; Lukes 2005; The Barefoot Collective 2009). Quyền lực không còn là một trò chơi bắt buộc có kẻ thắng người thua nữa, và quyền lực cùng nhau có thể giúp chuyển hóa quyền lực trên cơ (Eyben và cộng sự 2006).
(4) Quyền lực tạo ra (power-to)
Quyền lực tạo ra là sức mạnh để tạo ra sự thay đổi bằng cách phát triển kiến thức và kỹ năng. Theo quan điểm này, quyền lực được thể hiện qua 'năng lực', 'điều kiện thuận lợi' hoặc 'khả năng' (Lukes 2005). Khái niệm quyền lực tạo ra có nền tảng là niềm tin vào tính biến động của quyền lực. Không chỉ có một lượng quyền lực cố định được phân bổ giữa người này với người khác, mà khi chúng ta nâng cao năng lực của mọi người thì quyền lực cũng sẽ được tạo ra thêm. (Rowlands 1997; Gaventa 2006).
Chuyển hóa quyền lực bằng Giao tiếp trắc ẩn
Để giải quyết những vấn đề ngày càng phức tạp của xã hội, chúng ta cần giảm bớt sự lệ thuộc vào quyền lực trên cơ, và tăng cường khả năng hiểu và vận dụng những dạng quyền lực khác. Có nhiều phương pháp và mô hình hỗ trợ quá trình chuyển hóa này, trong đó một số mô hình ứng dụng Giao tiếp trắc ẩn bao gồm Sociocracy (Beatrice Cadbury và Kees Boeke), Integrated Clarity (Marie Miyashiro), Convergent Facilitation (Miki Kashtan), ...
Ở đây, chúng tôi phác thảo một số cách mà Giao tiếp trắc ẩn (GTTA) có thể hỗ trợ thúc đẩy quyền lực bên trong, quyền lực cùng nhau và quyền lực tạo ra:
(1) Đưa ra quyết định chung:
Thách thức: Những cá nhân có nhiều quyền lực hơn (do cơ cấu, vị trí trong các mối quan hệ, hoặc đặc quyền xã hội nói chung) sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong việc ra quyết định, ngay cả khi đã có cam kết phi tập trung hóa quyền lãnh đạo.
Lối về: GTTA có thể góp phần tạo ra những cấu trúc hỗ trợ cụ thể để giúp những người có ít quyền lực hơn có thể đề xuất và đưa ra quyết định, cũng như tham gia vào những quyết định mà người khác đề xuất. Các cấu trúc hỗ trợ cụ thể này có thể là các thỏa thuận về quy trình cố vấn và ra quyết định, các cuộc họp phản hồi định kỳ, ... và được thiết kế dựa trên kết quả khảo sát năng lực của tổ chức.
Những thỏa thuận này tạo điều kiện cho người có ít quyền lực hơn có thể ra quyết định mà không cần chờ ai đó cho phép hay chờ tới khi họ có đủ sự tự tin. Thêm vào đó, chúng ta có thể áp dụng cốt lõi của quy trình cố vấn (advice process) để đảm bảo một quyết định được đưa ra với đầy đủ sự tham gia của những bên liên quan. Có những phương pháp lấy ý kiến hiệu quả, sâu sắc và không lãng phí thời gian, giúp chúng ta hỏi ý kiến của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi một quyết định, bất kể họ có quyền lực nhiều hay ít, hỏi ý kiến của tất cả những người có chuyên môn và kinh nghiệm cụ thể, bất kể họ có thiếu tự tin tới đâu, và hỏi ý kiến của tất cả những người cần được tiếp sức, bất kể việc thông thường họ chỉ được trông đợi "bảo gì làm nấy".
Ví dụ cơ bản: Trong môi trường làm việc, ví dụ cơ bản nhất của việc đưa ra quyết định trong tinh thần 'quyền lực cùng nhau' chứ không phải 'quyền lực trên cơ’ là sử dụng khái niệm “đề xuất" của GTTA khi giao và nhận việc. Khái niệm "đề xuất" của GTTA giúp truyền đạt các nhiệm vụ hoặc hành động một cách rõ ràng và chính xác (Bonnell và cộng sự, 2007). Đặc biệt, chúng ta không đòi hỏi người kia phải đáp ứng nhu cầu của mình theo cách mình muốn, mà thật sự quan tâm đến nhu cầu của họ tương đương với nhu cầu của mình. Làm vậy, chúng ta tạo điều kiện để họ có thể cho đi trong sự tự nguyện và niềm vui.
Người giao và nhận nhiệm vụ cũng có những bước kiểm tra để hiểu rõ hơn về tác động của lời đề xuất lên trạng thái cảm xúc và nhu cầu của hai bên. Con người chỉ có thể nói CÓ thật lòng khi chúng ta biết rằng mình được tự do nói KHÔNG mà không phải gánh chịu hậu quả nào. Nói chuyện với tinh thần Giao tiếp trắc ẩn đồng nghĩa với việc ta làm mẫu cái chất lượng quan tâm và kết nối này, dù ta đang ở vai trò nào, bất kể người khác có làm tương tự hay không.
Trong đời sống cá nhân, ví dụ cơ bản nhất của việc đưa ra quyết định chung có thể là hỏi ý kiến về cách hành xử của mình. Trong lớp học về Giao tiếp trắc ẩn, chúng ta có thể tập cách tóm tắt lại điều mình nghe được, tập cách hỏi người kia để xem điều mình đang suy đoán về cảm xúc và nhu cầu của họ là có đúng hay không, … Trong thực tế, việc chúng ta tóm tắt, đoán hay đặt câu hỏi có thể được coi là xâm phạm sự riêng tư của người khác. Khi chúng ta bắt đầu thói quen hỏi ý kiến và trân trọng mọi phải hồi, từ những điều nhỏ nhất, chúng ta có thể hiểu thêm những thói quen ‘trên cơ’ của mình, đặc biệt là trong tương tác với những người có ít quyền lực hơn (trẻ em, cấp dưới, …).
(2) Lưu chuyển tài nguyên:
Thách thức: Tài nguyên có xu hướng đổ về những người có nhiều quyền lực hơn, đặc biệt là quyền lực dựa trên vị trí xã hội, ngay cả khi có cam kết phân phối tài nguyên dựa trên nhu cầu.
Lối về: Cách phân bổ tài nguyên phổ biến hiện tại là kết quả của chế độ phụ quyền, với nền tảng là thói ngờ vực cuộc sống và tư duy khan hiếm. Cần phải thay đổi đáng kể mới có thể nhìn thấy những biến chuyển trong mảng này. GTTA có thể góp một phần nhỏ trong công cuộc hỗ trợ tất cả mọi người rũ bỏ nỗi hổ thẹn về nhu cầu, cải thiện khả năng chia sẻ một cách minh bạch về điều mình cần, cùng tìm cách giải quyết sự bất bình đẳng giai cấp thể hiện trong thói quen đánh giá một nhu cầu là chính đáng hay không dựa trên vị trí của người đó trong xã hội, ...
Ví dụ cơ bản: Các nghiên cứu về đội nhóm sử dụng GTTA trong môi trường doanh nghiệp, bệnh viện và trường học cho thấy GTTA giúp tăng cường khả năng truyền đạt nhu cầu một cách rõ ràng (Bonnell và cộng sự, 2017). Nhân viên có nhiều khả năng bày tỏ ý kiến hoặc nhu cầu của họ hơn sau khi được đào tạo về GTTA, ngay cả những ý kiến mà trước đây không được bày tỏ. Điều này giúp giải quyết tình trạng thông tin sai lệch, gia tăng sự thấu hiểu các quan điểm và động cơ khác nhau của đồng nghiệp.
(3) Lưu chuyển thông tin:
Thách thức: Những người có nhiều quyền lực hơn thường biết nhiều hơn về chuyện gì đang xảy ra, và thông tin họ đưa ra thường dễ dàng được người khác biết hơn.
Lối về: Đề thông tin được lưu chuyển, cần tính minh bạch và lòng tin. GTTA có thể hỗ trợ xây dựng các thỏa thuận quan trọng liên quan đến việc lưu chuyển thông tin. Đối với những người có quyền lực, họ cần nhìn thấy rõ các cơ chế minh bạch phục vụ cho mục tiêu của họ (về hiệu suất, tinh thần trách nhiệm, …) như thế nào. Đối với những người có ít quyền lực hơn, họ cần các thỏa thuận ở tầng hệ thống, giúp giảm thiểu khả năng họ sẽ bị trừng phạt khi chia sẻ thông tin đi ngược lại với số đông. Điều này là đặc biệt quan trọng vì những thông tin như vậy là cần thiết để cải thiện năng lực cho toàn hệ thống.
Ví dụ cơ bản: Trong đời sống cá nhân, một ví dụ cơ bản để khuyến khích lưu chuyển thông tin là việc chúng ta không sử dụng Giao tiếp trắc ẩn để bắt lỗi hay thao túng. Chúng ta không mặc định rằng người khác hay chính mình cần phải lịch sự, cần biết cách kiểm soát bản thân (kiềm chế cảm xúc), cần có trách nhiệm giúp đỡ người kém may mắn hơn, chỉ quan sát “như camera” mà không ghi nhận lịch sử hay những đặc quyền gắn với sắc tộc, giới tính, … Chúng ta không sử dụng hiểu biết về cảm xúc và nhu cầu để ngầm khiến người khác thấy hổ thẹn, có lỗi hay đáng trách. Điểm mấu chốt ở đây là: chúng ta có lựa chọn là dùng Giao tiếp trắc ẩn LÊN người khác như một công cụ nữa để kiểm soát họ, hoặc dùng nó như một cách để hiểu rõ hơn về chính mình và điều tiết những kỳ vọng cũng như hành vi của bản thân (Bovee-Kemper, 2019). Khi ý thức được về cách mình giao tiếp, ta có thể cho và nhận thông tin thuận lợi hơn.
(4) Lưu chuyển phản hồi:
Thách thức: Những phản hồi/ góp ý đến từ người có nhiều quyền lực hơn mang nhiều trọng lượng hơn và thường dẫn đến hành động hơn.
Lối về: Hệ thống hóa các cơ hội phản hồi và tạo các lộ trình để phản hồi được đưa ra theo mọi hướng là chìa khóa. Ngoài ra, biến hoạt động góp ý thành đều đặn và thường xuyên giúp giảm bớt các rào cản trong việc phản hồi. GTTA cũng hữu ích trong việc thiết lập cơ chế hỗ trợ cho cả bên cho lẫn bên nhận phản hồi.
Ví dụ cơ bản: GTTA phân biệt rành mạch giữa quan sát và diễn dịch. Điều này giúp các góp ý trở nên cụ thể và khách quan hơn. GTTA cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân đối với cảm xúc của chính mình. Mọi người được khuyến khích bày tỏ về cảm nhận của chính mình thay vì đổ lỗi hoặc đánh giá người khác (Rosenberg 2003). Nhờ vậy, các góp ý ít có khả năng gây ra cảm giác tiêu cực hoặc buộc tội cho người được nhận. Điều này giúp các tập thể có thể học tập và rút kinh nghiệm thường xuyên hơn. Thông qua các thực hành như bày tỏ quan ngại mà không chỉ trích, đề xuất và bày tỏ lòng biết ơn, GTTA xây dựng lòng tin bên trong cá nhân và tập thể.
(5) Quản lý mâu thuẫn:
Thách thức: Khi những người có ít quyền lực chịu các tác động lên họ, ít khi nào mâu thuẫn xảy ra. Thông thường, ít quyền lực hơn cũng đồng nghĩa với việc ít nhận được hỗ trợ thỏa đáng khi tham gia vào mâu thuẫn.
Lối về: Ngay cả những tổ chức có mong muốn vượt qua sự khác biệt quyền lực bằng cách mời tất cả các bên vào các quá trình xử lý mâu thuẫn, tác động của sự khác biệt quyền lực có thể quá sức của những không gian như vậy. Ví dụ, tại thời điểm đó, không phải ai cũng có khả năng nói về mâu thuẫn hay đón nhận nội dung của mâu thuẫn. Những hệ thống xử lý mâu thuẫn dựa trên năng lực hiện có, mà không đặt kỳ vọng lên khả năng của bất kỳ cá nhân nào, sẽ trông ra sao? Câu hỏi này là chìa khóa cho vấn nạn về những mâu thuẫn khó, đặc biệt là mâu thuẫn về quyền lực là đặc quyền, của ngày càng nhiều tổ chức và phong trào có tầm nhìn.
Ví dụ cơ bản: GTTA được sử dụng rộng rãi trong việc hòa giải các mâu thuẫn từ cấp độ cá nhân, tổ chức đến quốc tế (Rosenber 2003). Khi nhu cầu của các bên được lắng nghe và thấu cảm, cảm xúc được xoa dịu và các mối quan hệ có khả năng phục hồi. Cách giao tiếp không đổ lỗi của GTTA tạo điều kiện cho các xung đột và căng thẳng ngầm có thể được nói ra, giúp cho các bên có thăm dò xung đột một cách bình tĩnh và tránh tình trạng căng thẳng leo thang (Bonnell và cộng sự, 2007).
Tuy nhiên, Giao tiếp trắc ẩn không dừng lại ở thấu cảm. Mục đích của Giao tiếp trắc ẩn là tạo ra một chất lượng kết nối mà có thể thổi hồn cho hành động cho và nhận trong lòng trắc ẩn (Manske, 2021). GTTA có thể được ứng dụng trong bước chuyển từ công lý trừng phạt sang công lý phục hồi, bằng cách giúp các bên lắng nghe thấu cảm cho những tổn thương đã xảy ra, và từ đó bước đến những hành động, đề xuất cụ thể nhằm phục hồi lại mối quan hệ. Ở tầng hệ thống, những bước cơ bản trên có thể là xuất phát điểm của một nền công lý chuyển hóa, với mục tiêu xây dựng hòa bình bền vững, thông qua việc loại bỏ những nguyên nhân gây ra bạo lực như bất công và loại trừ xã hội (Eriksson, 2019).
Tạm kết
Sử dụng Giao tiếp trắc ẩn trong những tương tác cá nhân đã khó; áp dụng nó trong các mối quan hệ 'quyền lực trên cơ' lại càng khó hơn. Cấu trúc xã hội và những quy trình xã hội xung quanh chúng ta liên tục củng cố các tiền đề của tư duy thống trị. Khi chúng ta sử dụng và làm mẫu cách sống Giao tiếp trắc ẩn, nhiệm vụ của chúng ta là tưởng tượng ra và hiện thực hóa những mối quan hệ dựa trên loại hình quyền lực cùng nhau, bất kể những điều kiện của hệ thống có ra sao đi nữa.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, Giao tiếp trắc ẩn không phải là thuốc chữa bách bệnh, không thể thay đổi trong tích tắc cách chúng ta liên hệ với [người khác] và với chính mình. Giao tiếp trắc ẩn không phải lúc nào cũng chu cấp được cho các mục tiêu của chúng ta. Nhưng nó cho chúng ta những công cụ, để chúng ta đóng góp cho một tầm nhìn về [một thế giới với nhiều niềm vui, lòng trắc ẩn và sự tương hỗ hơn hiện tại]. Chúng ta hiện thực hóa tầm nhìn này bằng cách tạo ra các cộng đồng - nơi mọi nhu cầu được coi là những biểu hiện đẹp đẽ của nhân tính, nơi chúng ta cùng nỗ lực hướng tới việc đáp ứng tất cả nhu cầu trong hòa bình. Làm như vậy tức là chúng ta đang tạo ra, ở một quy mô nhỏ, chính cái thế giới mà chúng ta mơ ước được để lại cho con em của mình.
Lược dịch từ:
Bonnell, H., Li, P., & Van Lingen, T. (2017) Nonviolent Communication: a Communication Tool to support the Adaptive Capacity of Organisations?.
Bovee-Kemper, L. (2019) Whose Work Is It? Thoughts on Non-Violent Communication, Dominant Culture, and Power Dynamics. Unitarian Universalist Association. Leadership Resource Library.
Kashtan, M. (2002) Transforming Power Relations: The Invisible Revolution. ENCOUNTER: Education for Meaning and Social Justice.
Kashtan, M. (2021) Organizational Systems Overview. The Fearless Heart Learning Packet [accessed Nov 28 2021].
Khuyen, N.T.B. (2019) The role of Nonviolent Communication in addressing power: How practising Nonviolent Communication affects power expression in the workplace relationships – some examples in Vietnam.
Tài liệu tham khảo:
Blau, P.M. (1986) Exchange and power in social life, New Brunswick, U.S.A: Transaction Books
Chambers, R. (2006) 'Transforming Power: From Zero-Sum to Win-Win?', IDS Bulletin, 3.
Eriksson, A. (2009). A bottom-up approach to transformative justice in Northern Ireland. International Journal of Transitional Justice, 3(3), 301-320.
Eyben, R., Harris, C. and Pettit, J. (2006) 'Introduction: Exploring power for change', IDS Bulletin, 37(6), 1-10.
Gaventa, J. (2006) 'Finding the spaces for change: A power analysis', IDS Bulletin, 37(6), 23-33.
Kashtan, M. (2021) The Highest Common Denominator: Using Convergent Facilitation to Reach Breakthrough Collaborative Decisions.
Lukes, S. (2005) Power: A Radical View. New York: Palgrave Macmillan.
Manske, J. (2021) Pathways to Nonviolent Communication: A Tool for Navigating Your Journey. Puddle Dancer Press
McKinney, A. and Shanley, M.L. (1985) 'Money, Sex and Power: Toward a Feminist Historical Materialism. By Nancy Hartsock. (New York: Longman, 1983. Pp. x, 310. $18.95 cloth.)', The Journal of Politics, 47(4), 1298-1301.
Rosenberg, M.B. (2003) Nonviolent Communication: A language of Life, 2nd ed., Encinitas, CA: Puddle Dancer Press.
Rowlands, J. (1997) Questioning Empowerment: Working with Women in Honduras, Oxford: Oxfarm GB.
The Barefoot Collective (2009) The The Barefoot Collective Guild 1: working with organisations and social change, [ebook]. The Barefoot Guide Collection [accessed Nov 28 2021].
The Barefoot Collective (2017) The The Barefoot Collective Guide 5: Mission Inclusion, [ebook]. The Barefoot Guide Collection [accessed Nov 28 2021].
Williams, S., Seed, J. and Mwau, A. (1994) The Oxfarm Gender Training Manual. Oxfarm.
Post a Comment