Khi đến văn phòng của tôi, lời phàn nàn của mọi người thường là về chứng trầm cảm. Ngồi lại với họ, dù lâu hay mau, tôi dần thấy rõ rằng những gì họ đang chịu đựng không hẳn là trầm cảm, mà là sự áp bức. Họ bị đè nặng bởi những nỗi buồn chưa được tiêu hóa của một đời người. Chính vì họ không thể nhận ra chúng là những nỗi tiếc thương, hay những mất mát, thật khó để thực sự đưa tiễn chúng đi.

Nỗi tiếc thương gõ cửa nhà chúng ta dưới nhiều, nhiều lắm những hình dạng. Tuy nhiên, chỉ trong một số khoảnh khắc, chỉ khi một ai đó chết đi, hay khi chúng ta mất đi một điều gì quan trọng - một mối quan hệ hay một căn nhà hay một con thú cưng chẳng hạn, thì nền văn hóa này mới công nhận là chúng ta đang tiếc thương mà thôi. Chỉ những lúc như vậy thì nỗi tiếc thương của chúng ta mới được người khác chấp nhận là có thật.

🍀 1. Tất cả những gì tôi yêu, tôi sẽ mất.
Cánh cổng đầu tiên để bước vào tiếc thương chính là, “Tất cả những gì tôi yêu, tôi sẽ mất.” Mới bắt đầu mà đã quyết liệt phết, nhỉ. Nhưng đó là sự thật cố hữu và sâu hoắm. Chúng ta không thể giữ lại được gì. Tất cả những gì chúng ta yêu quý, chúng ta sẽ đánh mất ở một đoạn nào đó trên đường, bởi vì chính ta hoặc là chúng sẽ rời đi.

Bốn cánh cổng còn lại hoạt động âm thầm. Chúng không lộ diện để mà được coi trọng. Vì thế mà chúng ta phải đeo chúng trên lưng. Chẳng mấy chốc chúng sẽ biến thành những cái thùng xe tải hạng nặng, cái đống di sản buồn đau khổng lồ ấy.

🍀 2. Những thân phần chưa từng được nếm trải vị yêu.
Cánh cổng thứ hai là những thân phần chưa từng được nếm trải vị yêu. Tôi không biết về cuộc sống của bạn, nhưng trong gia đình tôi, lớn lên trong Nhà thờ Công giáo và trong hệ thống giáo dục, tôi được dạy thẳng mặt rằng những phần nào của tôi là không-thể-chấp-nhận-được. Sự hoang dã của tôi, sự chan chứa của tôi, sự khêu gợi của tôi, trí tưởng tượng của tôi, nỗi buồn của tôi, cơn giận của tôi… tất cả đều đã trở thành những mảnh ghép, mà tôi đã được dạy, một cách công khai, bằng hình phạt hoặc bằng lời mắng nhiếc, rằng chúng đáng xấu hổ và không-thể-cho-phép. Chúng phải bị thanh trừng.

Tâm thức chúng ta khao khát sự trọn vẹn. Nó muốn tất cả các khả năng của nó được thể hiện và biểu lộ trên thế giới này. Vì vậy, bất cứ lúc nào nó bỏ đi một mảnh, đó là một mất mát. Và mất mát nào cũng đáng để tiếc thương. Nhưng, chúng ta không thể tiếc thương điều gì đó mà chúng ta đã học cách khinh thường. Khi những mảnh ghép đó nảy sinh nơi người khác, chúng ta cũng đánh giá và coi thường chúng — hoặc, đôi khi là ghen tị.

🍀 3. Nỗi đau của trái đất.
Cánh cổng thứ ba là những nỗi đau của trái đất. Những đợt sóng dữ đang ập đến với chúng ta với cường độ và tốc độ mà chúng ta chẳng tài nào né tránh được nữa - rừng Amazon đang bốc cháy, các dòng sông băng đang tay chảy. Cách đây một tháng, chúng tôi vừa tổ chức nghi lễ cho gần 200 con cá voi bị dạt vào bờ biển, từ Mexico đến Alaska. Những con cá voi này chết đói trên bờ.

Đây là những nỗi đau của thế giới. Chúng chạm vào chúng ta mỗi ngày. Trong một thời gian dài, chúng ta đã xem chúng như những thứ gì đó nằm ngoài bản thân mình. Nhưng giờ đây, thực sự, chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng, những trải nghiệm bên trong của mình không tài nào tách rời với những gì đang xảy ra trên thế giới. Có một nỗi lo âu tập thể, về những gì đang xảy ra với không chỉ chính cấu trúc của xã hội và văn hóa, mà còn với cấu trúc của môi trường. Thuyền chúng ta đang mắc nơi biển dữ.

Đó là cánh cổng thứ ba. Những cánh cổng tiếp theo chắc không dễ dàng hơn là mấy.

🍀 4. Những điều đã ngóng trông nhưng không được nhận.
Cánh cổng thứ tư là những điều chúng ta đã ngóng trông nhưng không được nhận. Làm sao một người có thể khao khát điều gì đó nếu nó chưa bao giờ ở đó? Chà, nó luôn ở đó. Những điều chúng ta đã khát khao nhưng không được nhận. Toàn bộ trải nghiệm của loài người, mà tổ tiên chúng ta từ xã xưa đã thuộc nằm lòng, đã được đắm mình trong đó - chúng ta được sanh ra cứ như thể là để dành cho những trải nghiệm đó vậy.

Tổ tiên chúng ta sẽ tụ tập để chia sẻ những nghi thức tiếc thương và cảm tạ. Họ sẽ hát cùng nhau. Họ sẽ chia sẻ bữa ăn cùng nhau. Họ sẽ chia sẻ những giấc mơ. Họ sẽ đi săn cùng nhau. Họ sẽ thu thập thức ăn và củi. Họ sẽ kể chuyện về đêm. Họ biết những huyền thoại, biết những điều thầm kín của vùng đất mà họ hằng ăn ở. Đó là những thứ đã định hình chúng ta qua hàng triệu năm, chính xác nhất là 300.000 năm qua, từ khi chúng ta trở thành giống người tinh khôn - Homo sapiens.

Và bây giờ, chỉ trong nháy mắt, chúng ta đã rũ bỏ gần hết những mốc tọa độ đó. Vì vậy, chúng ta thấy lạc lõng và trống rỗng trong thế giới này. Chúng ta thèm cảm giác biết mình đang ở đâu, đang đi về đâu, đang thuộc về nơi nào. Nhưng những điều ấy là sợi dây rốn chưa từng bị cắt.

Bi kịch là chúng ta tự trách mình vì cảm giác trống rỗng này. "Tôi đã làm gì sai mà tôi cảm thấy trống rỗng như vậy?" Chà, nếu, nếu sự trống rỗng này không phải là sự thiếu hụt của cá nhân tôi, mà là sự thiếu hụt của một nền văn hóa đã thất bại - trong việc hiện thực hóa những thứ mà con người cần để sống khỏe mạnh và tươi vui, thì sao?

🍀 5. Tiếc thương trong máu.
Cánh cổng cuối cùng là cái mà tôi gọi là nỗi tiếc thương trong máu. Càng ngồi với điều này, nó càng trở nên phức tạp hơn, bởi vì tôi bắt đầu thực sự hiểu rằng, hầu như không có nỗi đau nào tôi đang gánh chịu chỉ là của riêng tôi. Hầu hết nỗi buồn mà tôi mang theo đều bắt đầu, như Rumi nói, "ở một quán rượu khác." Nó đã bắt đầu từ rất lâu trước đây, khi những sự chia cắt xảy ra trong lịch sử gia đình tôi, giữa ông bà tổ tông tôi, khi có sự đứt gãy nào đó trong mối liên hệ với một nơi chốn, với một nền văn hóa, với tiếng nói, với truyền thống, với thức ăn, với cây cỏ, với những câu chuyện cổ. Khi tất cả những thứ đó bắt đầu bị rửa trôi và ăn mòn bởi những cuộc chia ly, chúng ta bắt đầu sống một cuộc đời đầy ắp nỗi buồn.

---
Còn bạn, bạn đang đứng trước những cánh cổng tiếc thương nào?

Chúng mình mời bạn đến với vòng tròn “ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI CẬN TỬ” vào tối mai, 13/08, từ 20h đến 21h30. Hơn bất kỳ lúc nào hết, sự bày tỏ, lắng nghe và thấu hiểu là vô cùng cần thiết, dù bạn đã, đang hay sẽ mất mát những gì.

🌻Đăng ký: https://forms.gle/joih4EjDjxw7zasq7
🌻Sự kiện: https://fb.me/e/X8sF0u78

*Nguồn: Bài phỏng vấn giữa Francis Weller và Tạp chí Catalyst. (https://catalystmagazine.net/the-deep-ecology-of-the-sacred/ )

Post a Comment

Previous Post Next Post