Hỏi đáp về Giao tiếp trắc ẩn:
-
Làm thế nào để đọc vị cảm xúc? “Thấu cảm” trong GTTA có phải là đọc vị cảm xúc không?
GTTA không thể giúp bạn đọc vị cảm xúc. Tạm định nghĩa “đọc vị” cảm xúc tức là đoán trúng, biết đúng cảm xúc của đối phương. [1] Thứ nhất, GTTA tin rằng việc này là bất khả thi, và thứ hai, GTTA cũng không có ý định làm việc đó.
Ngôn ngữ của GTTA gợi ý rằng chúng ta chú ý đến khía cạnh cảm xúc trong những gì đối phương đang thể hiện. Chúng ta có thể đoán cảm xúc, bằng suy nghĩ hoặc nói ra lời, nhưng đó sẽ luôn là phán đoán của riêng ta. Người duy nhất có thẩm quyền để quyết định phán đoán đó có “trúng” hay không là người còn lại.
Theo Giáo sư Lisa Feldman Barrett, cảm xúc là những khái niệm mà bộ não chúng ta tạo ra để xử lý thông tin đến từ những cảm giác trên cơ thể, trong tương quan với những gì đang xảy ra xung quanh ta. [2] Ví dụ, không có một thước đo khách quan nào chỉ định rằng nếu nhịp tim ta đập 150 nhịp/phút tức là ta đang yêu say đắm, và đập 140 nhịp/phút tức là mới chỉ cảm nắng sơ sơ. Khi chúng ta gọi tên cảm xúc, chúng ta đang chủ động tạo ra ý nghĩa cho trải nghiệm của mình. Người đối diện có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách gợi ý một số từ vựng cảm xúc. Không tồn tại một cảm xúc đúng mà người đối diện có thể đoán cho tới khi chúng ta tự khẳng định đây là cảm xúc của mình.
Do vậy, ý định của GTTA không phải là “đọc vị” người đối diện. Việc chú ý vào khía cạnh cảm xúc giúp chúng ta hiện diện với người bên cạnh, thay vì rơi vào suy diễn, đánh giá, hồi tưởng trong đầu mình. Tuy từ “thấu cảm” thường được định nghĩa là sự kết hợp của 3 khả năng: (a) nhận diện cảm xúc của người khác, (b) hiểu/ giải thích được cảm xúc của người khác, và (c) phản hồi nhạy bén về mặt cảm xúc với người khác [3], trong GTTA thì “thấu cảm” mang một hàm ý khác.
“Để thấu cảm, chúng ta cần ở lại với những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây. Không cần dùng kỹ thuật gì, chỉ cần hiện diện. Khi thấu cảm, bạn không nói gì cả. Bạn nói với ánh mắt, với cơ thể của bạn. Nếu bạn có mở miệng và thốt lên bất cứ lời nào, đó là vì bạn đang không chắc chắn mình có đang ở cùng với người kia không. Tức là bạn nói một vài lời cũng được. Nhưng mấy lời đó không phải là thấu cảm. Thấu cảm là khi người kia cảm nhận được, kết nối được với những gì đang xảy ra trong lòng bạn.” - Marshall Rosenberg [4]
Tóm lại, yếu tố quan trọng nhất của sự đồng cảm là: chúng ta hoàn toàn có mặt với người khác và những gì họ đang trải qua. Chúng ta cũng cần phân biệt giữa sự đồng cảm và sự hiểu biết về mặt lý trí. Mặc dù đôi lúc sự hiểu biết về mặt lý trí là cần thiết, nhưng người đang đau khổ trước hết cần nhận được sự đồng cảm. [5]
Ghi chú:
[1] “Đọc vị” là biệt ngữ dùng để chỉ hành động của người chơi xóc đĩa, đoán mặt sấp mặt ngửa của các đồng xu trong đĩa trước khi quyết định. (Báo Thanh Niên, 2021)
[2] How Emotions Are Made: The Secret Life of the Brain. (2017)
[3] Roots of Empathy: Changing the World, Child by Child. Mary Gordon & Kimberly A. Schonert-Reichl. (2005)
[4] “Empathy requires staying with the energy that's here right now. Not using any technique. Just being present. In empathy, you don’t speak at all. You speak with the eyes. You speak with your body. If you say any words at all, it’s because you are not sure you are with the person. So you may say some words. But the words are not empathy. Empathy is when the other person feels the connection with what’s alive in you.” - Marshall Rosenberg
[5] Trích đoạn sách Giao Tiếp Bất Bạo Động - Ngôn ngữ của lòng trắc ẩn. (Marshall Rosenberg) Lê Nguyễn Trần Huỳnh dịch. Học viên Quản lý PACE (2022).
-
Tại sao chúng ta phải tập trung vào cảm xúc và nhu cầu?
“Thấu cảm là tạm hiểu điều người khác đang trải qua.” - Marshall Rosenberg [1]
Từ “tạm hiểu” được dùng ở trên bởi vì GTTA tin rằng mỗi cá nhân là người có quyền quyết định lớn nhất với trải nghiệm của chính mình. Điều tốt nhất mà chung ta có thể làm khi lắng nghe đó là dành sự tôn trọng và hiện diện cho đối phương, tạm dừng những mong muốn khuyên bảo, an ủi, chất vấn, ... trong tâm trí mình.
Trong GTTA, bất kể người khác nói gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ lắng nghe bốn yếu tố sau của họ: quan sát, cảm xúc, nhu cầu và đề nghị. Trong đó, yếu tố cảm xúc và nhu cầu là đặc biệt quan trọng, bởi vì đa số chúng ta đã quen với việc phản ứng lại với những lời người khác nói bằng cách (1) chỉ trích người đó hoặc (2) dằn vặt bản thân. Việc lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của đối phương giúp mình và giúp người sáng suốt hơn khi ở với nhau.
- Khi gọi tên cảm xúc của mình, chúng ta sáng suốt hơn.
Việc gọi tên cảm xúc giúp kích hoạt phần vỏ não trán trước bên (ventrolateral frontal cortex), và điều tiết lại hạch hạnh nhân. Chúng ta được chuyển từ trạng thái quá tải ở trung khu cảm xúc sang trạng thái tư duy. “Giống như cách bạn nhấn phanh lúc đang lái xe khi bạn nhìn thấy đèn vàng, khi bạn gọi tên những cảm xúc của bạn thì bạn đang nhấn phanh những phản ứng cảm xúc của bạn.” - nhà tâm lý trường UCLA, Matthew D. Lieberman chia sẻ. [3] Điều này giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Chúng ta không đồng hóa với cảm xúc mình đang có, và không “hầm” cảm xúc lâu hơn mức cần thiết.
- Khi gọi tên nhu cầu của mình, chúng ta lấy lại quyền làm chủ chính mình.
Trong quá trình trưởng thành về mặt cảm xúc, phần lớn chúng ta sẽ trải qua ba giai đoạn: (1) “Nô lệ cảm xúc” - tin rằng mình phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác, và người khác hoặc sự kiện bên ngoài phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, (2) “Giai đoạn đáng ghét” - không hề quan tâm đến những cảm xúc và nhu cầu của người khác, và (3) “Tự do cảm xúc” - chúng ta không chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác, nhưng hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của chính mình, đồng thời nhận ra rằng không bao giờ có thể đáp ứng những nhu cầu của chính mình bằng cách phớt lờ những nhu cầu của người khác.
Với nhận thức về nhu cầu của mình và người khác, chúng ta có thể ý thức rằng mỗi hành động của mình đang chăm sóc cho nhu cầu nào. Chính cái ý thức về sự lựa chọn và lý do cho lựa chọn đó trong mỗi khoảnh khắc cho ta quyền làm chủ chính mình.
- Khi lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của người khác, ta giúp họ sáng suốt hơn.
“Khi ai đó thực sự lắng nghe bạn mà không phán xét, không chịu trách nhiệm cho bạn, không cố gắng thay đổi bạn, điều đó mang lại cảm giác thật dễ chịu. Khi tôi được lắng nghe và đồng cảm, tôi có thể nhìn nhận vấn đề của mình thoe cách khác để buông bỏ quá khứ và hướng đến tương lai. Thật kỳ diệu khi những điều tưởng như không thể giải quyết trở nên có thể, sự mơ hồ trở nên rõ ràng, sự tắc nghẽn trở nên thông suốt, khi ai đó đồng cảm với chúng ta.” - Carl Rogers, nhà tâm lý học người Mỹ
Ghi chú:
[1] “Empathy is a respectful understanding of what others are experiencing.” - Marshall Rosenberg
[2] Trích đoạn sách Giao Tiếp Bất Bạo Động - Ngôn ngữ của lòng trắc ẩn. (Marshall Rosenberg) Lê Nguyễn Trần Huỳnh dịch. Học viên Quản lý PACE (2022).
[3] Upward Spiral: Using Neuroscience to Reverse the Course of Depression, One Small Change at a Time. Alex Korb (2015)
Post a Comment